Sunday, August 11, 2013

Bạn bè... Roseburg 2013

Cho các bạn học ngày xưa của tôi ở trường Trung Học Thị Xã Đinh Tiên Hoàng Vũng Tàu.

(Cách đây khoảng bốn mươi năm, lúc chúng ta còn cắp sách đến trường, thời gian mới học trung học đệ nhất cấp thì không nói, nhưng lúc từ trung học đệ nhất cấp chuyển lên trung học đệ nhị cấp, tức là từ lớp đệ tứ lên lớp đệ tam thì tất cả học sinh đều phải chọn ban để học theo ngành mình thích. Nếu tôi nhớ không lầm thì trường mình lúc đó chỉ có ba ban để chọn là ban A (khoa học thực nghiệm), ban B (khoa học toán) và ban C (văn chương). Tôi đã chọn đi ban B. Lúc đó tôi chọn học ban nầy chẳng phải vì ngẫu nhiên mà vì hai lý do chính: một là học ban nầy khỏi phải gạo bài nhiều, hai là môn Việt Văn tôi dở, không đến nổi dở lắm, nhưng tôi biết là dở. Tôi rất thích đọc sách nhưng viết thì tôi chịu thua. Bài luận nào trên điểm trung bình là may lắm. Bạn cho là tôi khiêm nhường? Không. Đó là sự thật. Nói đi đâu cho xa, vừa rồi qua cái điện thư tôi gởi cho bạn bè để thông báo về việc Tuấn Thanh sắp sửa qua Mỹ chơi, sau khi đọc xong, Đặng Quốc Hiệp hỏi tôi sao tự nhiên... lại ngưng nửa chừng, có phần đầu mà không có phần cuối (A! anh chàng nầy hơi khó tính nghe); còn Ngọc Nga thì mặc dù đã tương đối nới tay lắm, cũng chỉ chấm an ủi cho tôi được chín điểm rưởi trên... hai mươi! Có nghĩa là dưới trung bình. Hóa ra sau bao nhiêu năm rời ghế nhà trường, môn Việt Văn của tôi vẫn không khá, không thấy tiến mà có phần còn lùi lại.

Sao tôi phải giải thích với bạn dài dòng như vậy? Xin thưa: thông cảm cho kẻ đang làm chuyện ngoài khả năng của mình. Như bạn biết, bạn bè chúng ta ai cũng trong lứa tuổi sắp sửa về già. Không gần kề thì cũng sắp đến. Đó là sự thật dù muốn hay không. Mắt đã hơi mờ và tóc cũng không còn xanh nữa. Ở tuổi nầy, cuộc sống chúng ta thường hướng nhiều về quá khứ mà ký ức theo năm tháng cũng bị hao mòn, lúc nhớ, lúc quên. Qua đây, tôi chỉ muốn ghi lại hình ảnh sinh hoạt chung của bạn bè trong cuộc gặp gỡ năm nay tại nhà Tiết ở thành phố Roseburg, tiểu bang Oregon, tây bắc nước Mỹ. Nơi quê người, bạn bè mấy đứa mỗi người một nơi, cố gắng cùng nhau họp lại. Tạm quên đi những lo lắng và phiền lụy của đời thường. Sống bên nhau khoảng một tuần. Ngắn thôi, nhưng thật thân thương, thật vui. Tuổi học trò chúng ta đã mất, nhưng chúng ta còn bạn bè chung trường chung lớp ngày xưa. Gặp lại để thấy mình được hạnh phúc. Bốn mươi năm. Thời gian gần nửa đời người. Chúng ta còn được bao nhiêu lần gặp mặt để cùng nhau hồi tưởng lại ngày xưa áo trắng sân trường ?...)

Thứ tư, ngày 5 tháng sáu.

1 giờ 35 trưa. Sau hơn một tiếng rưởi đồng hồ bay bổng, chuyến bay của hảng hàng không Air Canada khởi hành từ Calgary đi Portland đã hạ cánh. Tôi thở phào nhẹ nhỏm. Trời tốt nên máy bay bay thật êm chỉ trừ lúc gần đáp phải hạ cao độ và bay trong mây nên máy bay hơi chòng chành, do đó tôi chỉ hơi bị chóng mặt chút đỉnh lúc đáp xuống. Biết tật mình rất dễ say xe hơn nữa hay ói mửa y hệt như một người đàn bà đang ốm nghén, nên lúc lên máy bay tôi đã thủ sẵn một đống kẹo để ngậm cho bớt khó chịu. Hành khách sửa soạn xuống. Đặng Quốc Hiệp và tôi ra gần sau cùng. Đây là lần thứ hai tôi xuống thành phố này cùng với bạn bè, không kể những lần đi cùng với gia đình. Bên ngoài, trời đầu hè nên không nắng lắm, không khí thật dễ chịu dù lúc này đang giữa trưa
.
Sau khi lấy hành lý và đợi gần nửa tiếng vẫn chưa thấy Liêm - người tình nguyện ra phi trường đón hai đứa tôi (Liêm là người bạn trẻ của Nguyễn Thành Sơn, quê cũng ở Vũng Tàu, mà qua Sơn, Hiệp và tôi được biết trong chuyến xuống đây chơi năm ngoái) - vì hai đứa tôi không biết số điện thoại riêng của Liêm nên quyết định gọi cho Sơn ở sở làm trước rồi mọi chuyện sẽ tính sau. Sơn cho biết là Liêm bận công việc vào phút chót nên không thể đi đón được. Sơn sẽ đến phi trường đón hai đứa tôi sau khi tan sở. Như vậy là êm xuôi. Trong lúc ngồi chờ Sơn, hai đứa tôi tiếp tục tán dóc.

4 giờ chiều. Về đến nhà Sơn. Nhà có vườn sau. Thật đẹp. Trồng nhiều hoa, nhất là hoa hồng. Tôi không rành về hồng nhưng cũng biết trong vườn nhà Sơn có nhiều loại. Tôi nói đùa với Sơn là nếu chị Na (vợ Sơn) biết Sơn trồng hoa chỉ để chụp hình rồi đưa lên mạng để cho mấy cô gái khác ngắm và bình phẩm thì chỉ sẽ cắt bỏ hết những bông hoa này không chừa một cái. Sơn cười. Nụ cười thật hiền. Sơn là một trong những người bạn cùng lớp ngày xưa trong đám tụi tôi sau nầy được học hành đến nơi đến chốn nhất, lại có nhiều tài và bay bướm. Không những chỉ mê hoa, mê chụp hình mà Sơn còn viết văn lung tung nữa. Những truyện ngắn của Sơn, Sơn cho biết, có một thời đã làm xôn xao cộng đồng trên mạng. Có bao nhiêu tiền, Sơn đổ vào để phục vụ cho những đam mê của mình không tiếc. Sơn có thể ngồi hàng giờ trước máy vi tính chỉ để chỉnh cho vừa ý một tấm hình mà mình thích, hay lục lọi khắp nơi tìm cho được loại hoa mình muốn để đem về trồng. Phải đam mê lắm mới kiên nhẫn và chịu khó như vậy. Sơn cũng là một tay uống rượu thật cừ, rất đầm tính và dường như chưa bao giờ say. Trong bàn nhậu, dễ làm quen và hoà đồng với mọi người. Còn trên mạng, qua những bức hình chụp hoa lá nầy nọ, Sơn được nhiều người hâm mộ, phần lớn thuộc phái nữ (đàn bà con gái phần đông cô nào lại chẳng thích hoa lá cỏ cây?). Những người hâm mộ Sơn ở khắp nơi, nhưng nhiều nhất vẫn là... ở tận Việt Nam. Cũng tốt, nhưng theo tôi thì chưa biết đó là phước hay họa. Tôi nghĩ tên này thật yêu hoa. Cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Nhìn khu vuờn, lại nhớ năm ngoái. Cũng trong cùng thời gian và khung cảnh này nhưng vào buổi sáng, trước giờ ra xe khởi hành xuống Roseburg để gặp Tiết và Ngọc Nga. Lúc đó trời đang mưa. Hiệp, Sơn và tôi cùng ngồi uống cà phê dưới mái hiên ở vườn sau. Khu vườn đầy hoa chìm trong mưa bụi. Đẹp như tranh vẽ. Tôi chưa từng ra Bắc nên không biết mưa phùn hay mua bụi gì đó, mà chỉ có vào mùa Xuân ở miền Bắc, thơ mộng và đẹp ra sao. Chỉ thấy tả trong văn chương của mấy ông văn sĩ Bắc Kỳ di cư là đẹp và nên thơ lắm. Mấy ổng vào Nam rồi mà vẫn cứ nhớ và tiếc hùi hụi. Nhưng với tôi, mưa ở Portland mùa này thật đẹp. Mõng và mịn như sương. Sáng sớm. Không gian thật yên tĩnh. Trời chỉ hơi lạnh. Ngồi trong vườn. Đốt điếu thuốc. Trước ly cà phê nóng. Bên ngoài mưa bụi giăng giăng. Khung cảnh như vậy thử hỏi lòng ai không chùng xuống. Gỗ đá cũng phải mềm!



Sân sau nhà Nguyễn Thành Sơn 


Không mưa như năm rồi. Hôm nay trời thật trong, khu vườn lại có vẻ đẹp khác. Thật rực rỡ màu sắc. Ngồi ở vườn sau, uống chưa hết ly bia Hiệp đã vội gọi điện thoại xuống cho Tiết ở Roseburg để báo tin cho Tiết biết là hai đứa tôi đến nơi bình yên, không có gì trục trặc, đồng thời hỏi Tiết coi Ngọc Nga từ California có bay lên được hay không (Cách đây hai tuần Ngọc Nga có điện thoại hỏi Tiết về lịch trình chuyến bay của Hiệp và tôi. Tôi nghĩ là nếu không quá bận thì Ngọc Nga sẽ lên chơi. Cô nhỏ này thì lúc nào cũng bận rộn nhưng rất quý và chí tình với bạn bè). Tiết cho biết là đã hơn tuần nay không liên lạc được với Ngọc Nga. Có lẽ Nga không có ở nhà và hiện đang ở tiểu bang khác. Cho tới giờ phút này Tiết vẫn không biết Ngọc Nga đang ở đâu. Nghe tin này mấy đứa đều buồn. Năm ngoái bạn bè tụ họp đủ cả năm người, năm nay thiếu một, không buồn sao được!


6 giờ chiều. Tiết gọi cho Sơn báo tin là Ngọc Nga sẽ bay lên vào trưa mai nhưng không biết chính xác giờ nào. Chỉ biết khoảng trưa mai. Tiết cho biết thêm là ngày mai có một người bạn của Tiết ở thành phố Las Vegas bay qua thăm, dân Vũng Tàu và cũng tên Nga, sẽ đến phi trường Eugene vào lúc 7 giờ chiều, cần người đi rước. Sẵn tụi tôi ngày mai trên đường đi xuống Roseburg, Tiết nhờ đón Nga từ Las Vegas qua luôn. Như vậy là chương trình đi đứng ngày mai sẽ có nhiều thay đổi.

Hiệp, Sơn và tôi ăn cơm chiều xong, thay vì ra quán uống nước và tán dóc, mấy đứa tôi quyết định uống cà phê ở nhà để nói chuyện cho thân mật hơn. Đang uống cà phê thì anh Minh (ông xã của Tiết) điện thoại lên cho biết là đã sửa soạn mấy cần câu và mọi thứ cần thiết đầy đủ cho chuyến câu cá bẹ lần nầy, chỉ cần mọi người xuống là đi. Anh Minh cũng cho biết vì năm nay tụi tôi qua chơi hơi sớm, chưa tới mùa nên cherry chưa chín nhiều. Cherry mới vừa chín tới, hái ngay trên cây và ăn luôn tại vườn thì ngọt và ngon phải biết! Nhưng Tiết lo xa sợ ngày mai tụi tôi xuống tới thì người ta đã tranh nhau hái hết nên sáng sớm bửa nay cô nàng đã hái một ít cất riêng làm quà. Một ít là bao nhiêu? Hỏi ra mới biết là khoảng gần... mười ba cân!

10 giờ đêm. Tôi gọi cho Ngọc Nga. Chuông reo thật lâu. Cuối cùng Nga bắt. 

- "Hello."

- "Hiệp hả ?" 

- "Không. Anh. Thức đây. Mai mấy giờ Ngọc Nga đến?"

 - "Nga đến buổi trưa. Mười hai giờ mười lăm." 

- "Phi trường nào?"
  
- "Eugene."

 - "Được rồi. Mấy đứa anh sẽ có mặt ở phi trường đúng giờ."

 - " Không cần đâu. Anh và mấy bạn cứ ở trên đó chơi đi. Trưa mai Nga đến rồi sẽ ngồi đợi. Chiều ba hay bốn giờ đón Nga rồi cùng xuống nhà Tiết cũng được."

 - "Đừng lo cho mấy đứa anh."

 - "Giờ nầy Nga còn đang ở ngoài đường, chưa về nhà. Con em ở nhà mua vé dùm. Em cũng chưa thấy vé để biết chính xác. Chỉ biết ngày mai năm giờ sáng em phải có mặt ở phi trường. Anh, Hiệp, Sơn đã hẹn bạn trên đó thì cứ ở chơi, em đợi được. Đừng lo cho Nga."

 - "Mấy đứa anh không có hẹn với ai ở đây. Tụi anh định chiều tối ngày mai mới rời đây để xuống nhà Tiết, lý do vì không muốn anh Minh phải nghỉ thêm một ngày nữa ở nhà. Do đó ngày mai đi sớm để đón Ngọc Nga, sau đó tất cả tụi mình cùng xuống nhà Tiết cũng không có gì là bất tiện. Mười giờ sáng tụi anh khởi hành, từ đây xuống Eugene mất khoảng hai tiếng đồng hồ, chắc chắn tụi anh sẽ có mặt ở phi trường đúng giờ để đón Ngọc Nga. Thôi không nói nữa. Quyết định như vậy đi. Bây giờ anh cúp máy à nghe?"
  
- "Dạ, Bye anh."

Trong điện thoại, giọng Ngọc Nga mõi mệt, có vẻ như đang bịnh, nhiều lúc Ngọc Nga nói tôi nghe không rõ lắm. Tôi không biết Ngọc Nga đang ở đâu mà giờ này còn ngoài đường, nhưng tôi không tiện hỏi. Riêng mấy đứa tôi, khi biết Ngọc Nga lên được thì vui rồi, chỉ tội Ngọc Nga hơi vất vả, đêm đã khuya nhưng vẫn chưa được về nhà để nghỉ mà sáng ngày mai lại phải ra phi truờng sớm.

Như vậy là ngày mai tụi tôi sẽ rời Portland buổi sáng không đợi đến chiều như đã dự định. Vì phi trường Eugene là một phi trường nhỏ lại nằm hơi xa thành phố nên muốn cho chắc ăn khỏi phải chạy lòng vòng mất thì giờ, tôi dùng máy vi tính của Sơn kiếm những chi tiết cần thiết rồi in ra sửa soạn sẵn sàng cho chuyến đi.

 Thứ năm, ngày 6 tháng sáu.

Mới sáng sớm, ba đứa tôi đã lên xe đến nhà người bạn vong niên của Sơn để uống cà phê. Biết là sáng nay mười giờ mới đi, vẫn còn nhiều thì giờ để nhâm nhi cà phê và ăn sáng nên tối qua, dù đã quá trễ Sơn cũng điện thoại qua nhà chú Quang để hẹn. Sau khi uống cà phê, mấy đứa tôi mời chú Quang đi ăn phở. Còn quá sớm cho nên phần lớn các quán ăn Việt Nam vẫn còn chưa mở cửa, nhưng hên quá, cuối cùng chạy một hồi qua nhiều khu phố, chúng tôi cũng tìm được một quán quen mở cửa sớm, cả bọn vào ăn. Khi tụi tôi chia tay chú Quang quay về nhà Sơn để lấy hành lý sửa soạn ra xe thì đồng hồ đã chỉ gần 11 giờ. Tôi vừa de xe ra khỏi nhà Sơn và chạy chưa được năm phút thì nhận được điện thoại của Ngọc Nga gọi lên cho biết, đã đến San Francisco nhưng chuyến bay chuyển tiếp từ San Francisco đi Eugene chưa có, có lẽ phải dời lại khoảng một tiếng. Như vậy cũng đỡ, về phần tụi tôi khỏi lo bị trễ.

Nhà Sơn nằm không xa xa lộ số 5 mấy nên sau khi ghé trạm xăng gần nhà đổ xăng xong, chạy một chút là chúng tôi đã tới, tôi lấy hướng nam để đi Eugene. Từ Portland đi Eugene khoảng gần 200 cây số, hôm nay là ngày thường không phải cuối tuần, hơn nữa đã trưa nên cũng không có nhiều xe cộ, chúng tôi tà tà vừa chạy xe vừa nói chuyện vừa ngắm cảnh hai bên đường. Chạy gần hai tiếng, tới ngả rẽ 195B, tôi cho xe quẹo trái xuống đường 569 theo hướng tây, sau đó chuyển qua xa lộ 99 trước khi vào một con đường nhỏ dẩn đến phi trường. Sau khi rời xa lộ chính, đường hơi khó đi vì cứ vòng qua vòng lại, dễ bị lạc, nhưng cuối cùng tụi tôi cũng đến được phi trường sớm hơn dự định.

Còn hơn 10 phút nữa chuyến bay của Ngọc Nga mới đáp. Hiệp và Sơn đi lòng vòng chụp hình. Đúng giờ, chuyến bay chuyển tiếp của Ngọc Nga đến từ San Francisco hạ cánh. Tụi tôi ba đứa hớn hở sửa soạn đón người đẹp đến từ vùng nắng ấm California. Đây là một phi trường nhỏ nên hành khách cũng không nhiều, mọi người đã xuống hết từ lâu mà chẳng thấy Ngọc Nga đâu. Bên trong không còn ai ra nữa, lúc nầy nhân viên phi trường đã bắt đầu làm thủ tục vào cửa cho hành khách bay chuyến bay kế. Tụi tôi hơi lo. Nếu có mặt trên chuyến bay nầy thì vì lý do nào đi nữa bây giờ Ngọc Nga cũng phải có mặt ở ngoài nầy rồi. Phi trường nầy ra vào chỉ có một cửa. Hồi nảy đến giờ tụi tôi không rời nơi đây nửa bước thì Ngọc Nga chạy đi đâu mà mất dược. Tôi đi qua khu hành lý một lần nữa cho chắc ăn, cũng không thấy còn ai ở đó. Nhin lại trên bảng ghi chuyến bay thi thấy quả đúng là chuyến của Ngọc Nga đến từ San Francisco, ngoài chuyến nầy đâu còn chuyến nào khác.

Tôi nói với Hiệp "Hay Ngọc Nga vẫn còn kẹt lại San Francisco chưa đi được?", Hiệp đăm chiêu "Đâu có lý nào. Nếu Nga không lên chuyến nầy được thì Nga đã gọi báo cho mình biết rồi. Sơn ơi, Sơn gọi cho Nga hay Tiết, coi Nga đang ở đâu", Sơn đùa "Hay giống như Tề Thiên, Nga biết phép tàng hình?". Ba đứa cùng phá ra cười. Sơn lấy điện thoại cầm tay gọi cho Ngọc Nga thì cô nàng không mở máy, điện thoại cho Tiết thì Tiết đi vắng không có nhà, chẳng ai trả lời.

Tụi tôi chưa biết tính sao thì kia rồi, ở cửa ra, Ngọc Nga xuất hiện! Cô nàng tỉnh bơ, từ tầng trên đang theo thang cuốn từ từ đi xuống, ra ngoài. Tôi chọc Ngọc Nga "Thật hú hồn! Tưởng mẹ mìn bắt Ngọc Nga rồi, may phước là tụi anh chưa đăng báo tìm trẻ lạc". Ngọc Nga cười rạng rỡ. Cô nầy lúc nào cũng có vẻ yêu đời. Có lẽ Ngọc Nga tuổi Dậu nên tối ngày phải luôn bươn chãi. Nghe nói đã về hưu từ lâu nhưng tôi thấy dường như lúc nào cũng bận rộn công việc làm ăn. Đã tuổi Dậu mà lại cầm tinh con gà rừng nên bay nhảy tứ tung, đâu chịu ngồi yên một chỗ.

Đầu năm nay, nghe Ngọc Nga về Việt Nam mới qua, tôi định để Ngọc Nga nghỉ mệt một hai tuần trước khi gọi hỏi thăm, chưa kịp hỏi thì cô nàng đã bay qua Anh Quốc rồi. Vừa mới nghe từ Anh về thì thoáng một cái đã vù đi Houston, Texas. Chưa hết, tưởng còn đang ở Houston, nói chuyện với Hiệp mới biết Ngọc Nga đã về lại Việt Nam và sẽ ghé Hồng Kông chơi trước khi trở lại Mỹ. Thấy Ngọc Nga đi mà tôi muốn chóng mặt. Người có hoa tay thì khéo tay, còn Ngọc Nga tôi nghĩ chắc có hoa chân nên hầu như chân của cô nhỏ nầy không bao giờ chấm đất!

Ngày còn đi học, Ngọc Nga thật hiền khác xa với Ngọc Nga tháo vác bây giờ, chỉ có giọng nói là vẫn như xưa, không đổi. Nhớ lại trong chuyến họp bạn năm ngoái, lúc chờ máy bay chuyễn tiếp ở phi trường Vancouver để đi Portland, Hiệp và tôi gọi cho Tiết và Ngọc Nga. Chưa gặp mặt nhưng lần đầu tiên nghe Ngọc Nga nói qua điện thoại sau bao nhiêu năm xa cách, tôi sững sờ, không tin ở tai mình. Đang đứng giữa phi trường với bao nhiêu người qua lại, nghe giọng Ngọc Nga, tôi cứ tưởng như mình đang đứng đâu đó trong lớp học của ngôi trường cũ nằm trên đồi cao lộng gió năm nào.

Đường từ phi trường Eugene xuống nhà Tiết ở Roseburg chạy xe khoảng hơn một tiếng, nhưng tụi tôi không thấy lâu vì mãi mê nghe Ngọc Nga kể chuyện về bạn bè ở Việt Nam. Đến nhà Tiết thì đã hơn 3 giờ chiều. Nhà nằm trên triền đồi, phía sau là thung lũng. Khung cảnh thật lý tưởng. Từ con đường bên ngoài muốn xuống khoảng sân trước nhà phải qua con dốc rất hú tim mà tôi nghĩ ngoài chủ nhà ra không ai dám lái xe xuống dưới. Không muốn mạo hiểm, tụi tôi đành đậu xe ngoài đường. Không cần gõ vì cửa không khoá, cả bọn ào vào như cơn lốc. Anh Minh ông xã của Tiết đi làm chưa về, Tiết thì đang lui cui trong bếp. Một năm rồi không gặp, Tiết đón tụi tôi với nụ cười cố hữu của mình.

Tuy học cùng lớp nhưng tôi coi Tiết và Ngọc Nga như hai người em nhỏ. Ngày xưa, lúc đã học đến lớp 9 lớp 10, Tiết cũng vẫn còn là một cô bé gầy nhom chưa lớn. Có lẽ vì vậy mà được bạn bè thân ái đặt cho cái hổn danh là "Tiết ròm" chăng? Tôi từ trường khác chuyển vào học ở Đinh Tiên Hoàng năm lớp 9, đến giữa năm lớp 10 thì tôi lên Sài Gòn học tiếp, thời gian học chung quá ngắn, thành ra sau bao nhiêu năm, tôi quên bững tên của Tiết, cô bạn nhỏ học cùng lớp ngày xưa. Lúc mới gặp lại Đặng Quốc Hiệp, nghe Hiệp nhắc đến Tiết, tôi tự hỏi "ai vậy ta?". Nguyễn Thị Tiết, tên nghe sao xa lạ.Tôi nghĩ là có sự lầm lẫn nào đó, có thể cùng trường mà không cùng lớp chăng? Tôi hỏi lại và Hiệp khẳng định Tiết là bạn chung lớp 9A2 năm nào. Dù cố nhớ tôi cũng không hình dung được Tiết là người nào trong đám bạn cũ của mình, cho đến một hôm trước khi qua thăm Tiết và Ngọc Nga vào mùa hè năm ngoái, Tiết gọi cho tôi nhưng tôi không có nhà, lúc về nghe Tiết nhắn lại trong máy với giọng cười không lầm lẫn được. À thì ra là cô nhỏ nầy, tên thì tôi không nhớ nhưng tôi vẫn còn nhớ cô nầy người tuy mảnh mai nhưng có giọng cười thật giòn, thật tươi; đặc biệt hơn nữa, lúc cười người cứ khom xuống, rút hai vai lại trông thật ngộ nghĩnh.

Cô nhỏ nầy thấy vậy mà rất tình cảm và mau nước mắt. Hè năm rồi, trong suốt thời gian ghé thăm, mấy đứa tôi đã được Tiết săn sóc và lo lắng thật đầy đủ. Hôm chia tay, dù tụi tôi có hứa là hè sang năm chắc chắn sẽ qua thăm, nhưng đứng ở bên đường chào từ biệt, Tiết đã không cầm được nước mắt lúc nhìn tụi tôi mấy đứa lên xe sắp sửa chạy đi. Có tiền bạc nào mua được những giọt nước mắt thân tình và quí hiếm nầy? Mỗi lần nghĩ lại, tôi thấy thật ấm lòng vì mình đã may mắn có được những người bạn học thật dễ thương mà cũng thật chân tình.

Tiết và Ngọc Nga gặp lại thì như cá gặp nước, nói chuyện huyên thuyên không dứt. Sau khi anh Minh đi làm về, tụi tôi sửa soạn đi đón bạn của Tiết từ Las Vegas qua.

Gần như suốt ngày hôm nay, tụi tôi chỉ ở ngoài đường. Để coi, sáng nay 11 giờ rời Portland, đến phi trường Eugene để đón Ngọc Nga, rồi cùng nhau chạy xuống nhà Tiết ở Roseburg, sau đó cùng anh Minh và Tiết, cả bọn lên xe quay ngược lại Eugene để đón Nga đến từ Las Vegas, cuối cùng 8 giờ tối mới về lại nhà Tiết ở Roseburg. Quả là một ngày dài cứ chạy tới chạy lui.

Thứ sáu, ngày 7 tháng sáu.

Chương trình ngày hôm nay có hai mục: hái cherry và đi câu.

Sau khi ăn sáng xong, cả bọn lên xe trực chỉ vườn cherry. Trời hơi nắng nên mọi người phải thủ sẵn mỗi người một cái nón để đội. Xấu đẹp không cần thiết. Chỉ cần che nắng là được rồi. Tiết đội một cái nón lá tôi không biết lấy ở đâu ra mà rách te tua, đội lên giống như hành khất đại hiệp; còn Ngọc Nga thì chơi một cái nón lác rộng vành nhìn như dân Mễ Tây Cơ chính hiệu. Chưa vào vườn nhưng từ xa chúng tôi đã có thể thấy trên những hàng cây cherry trồng thật ngay hàng thẳng lối trong vườn, là những chùm cherry chín đỏ ngon lành. Vườn nầy cây còn nhỏ nên không cao lắm, chỉ vừa tầm tay hay cao hơn một tí nên rất dễ hái. Vào tận vườn, được hái tận tay và được ăn ngay những trái mình mới vừa hái trên cành xuống, cảm giác thật là đã. Nhìn những trái cherry màu đỏ thẫm, da căng cứng, mọng những nước, thấy bắt thèm. Cherry còn tươi nên thật giòn và ngọt, ăn hoài không thấy chán. Tụi tôi vừa hái vừa ăn. Riêng tôi, thì ăn nhiều hơn hái!

Tiết và Ngọc Nga thích hái loại cherry màu vàng hơn loại đỏ, có lẽ vì cherry vàng ngọt dịu và thanh hơn. Tôi không biết cherry hái trong vườn có rẻ hơn so với cherry bán ở ngoài chợ hay không, vì Tiết và Ngọc Nga trả tiền mà tôi cũng quên không hỏi, nhưng tôi biết một điều là những trái cherry nầy, sẽ tươi và ngon hơn vì mới vừa được hái từ trên cây xuống; hơn nữa, dù mắc hay rẻ, được hái những trái cây do mình tự chọn là thích rồi, đâu phải lúc nào muốn cũng được như vậy.


Tụi tôi có một trục trặc nho nhỏ do vấn đề hai cô cùng tên Nga. Sau vài lần lẫn lộn, gọi người nầy mà người kia trả lời, nên để tiện phân biệt tụi tôi gọi Ngọc Nga là Nga Cali (vì từ dưới tiểu bang California lên) còn Nga bạn Tiết đến từ thành phố Las Vegas, tiểu bang Nevada là Nga Vegas. Thế là sau chuyến đi chơi này, hai cô mỗi người lại có thêm một cái tên mới.

Khi tụi tôi rời vườn cherry chạy đến chỗ để câu cá bẹ thì trời đã gần trưa. Chỗ câu là một khúc sông thật đẹp. Khi tụi tôi đến thì đã có vài người đang đứng say mê cầm cần bên dòng nước trong xanh. Tụi tôi bốn đứa mỗi đứa một cần câu cùng nhập bọn, mấy cô thì ngồi trên bờ, núp dưới mấy bóng cây, ăn vặt. Anh Minh cho biết bây giờ đã cuối mùa nên không có bao nhiêu cá, cách đây vài tuần, đang mùa, ở đây lúc nào cũng đông nghẹt người câu. Cá bẹ là cá gì? Người Mỹ gọi cá bẹ là Steelhead. Theo anh Minh, loại cá nầy tuy nhiều xương nhưng thịt ăn rất ngon và béo, mình câu về còn tươi, làm thật sạch rồi bỏ lên lò nướng, vắt miếng chanh cho có vị, ăn với rau sống các loại thì ngon khỏi chê. Còn theo chị Na vợ Nguyễn Thành Sơn thì vì cá bẹ nhiều xương, kho rục cho mềm xương rồi ăn với cơm là ngon nhất, hay ăn với bún cũng được.

Chỉ nghe quảng cáo như vậy nhưng tôi chưa từng được nếm thử loại cá nầy bao giờ. Nghe cá nhiều xương thì đã hết hồn rồi. Ngày nhỏ ham ăn bị hóc xương một lần vẫn còn tởn đến bây giờ. Nhưng nghe anh Minh quảng cáo hấp dẫn như vậy cũng ham, muốn câu về để ăn thử cho biết. Nhưng không phải dễ, thấy xung quanh dân đi câu chính hiệu mà nãy giờ chưa ai câu được con nào làm thuốc, thì dân câu tài tử như mấy đứa tôi hy vọng gì câu được. Tuy câu không có cá, nhưng tụi tôi vẫn vui như Tết, cái chính là được đứng ở giữa trời nước bao la, xung quanh có bạn bè cùng nhau nói dóc là vui rồi, có cá hay không đâu có gì quan trọng. Trời đã bắt đầu nắng gắt, hơn nữa đã đói bụng, tụi tôi xếp cần không câu nữa, cả bọn xúm lại thanh toán sạch sẽ thùng đồ ăn mang theo lúc sáng rồi cuốn gói lên xe về nhà.
 
Chiều nay, có lẽ không có chuyện gì làm, ngồi nhìn vơ vẩn và buồn tay Ngọc Nga tự nhiên thấy đầu tóc của Nguyễn Thành Sơn ngứa mắt, bèn đề nghị cắt dùm miễn phí. Sau một hồi suy nghĩ cùng với những lời xúi dại của Hiệp và tôi, Sơn đồng ý. Tên nầy thật gan cùng mình, không biết chết là gì, chưa biết tài nghệ Ngọc Nga ra sao mà dám đưa đầu mình ra làm thí nghiệm. Chỉ cần một cái ghế đẩu để ngồi, một bao đựng rác để làm áo choàng, cùng với một cái kéo cũ mèm không được bén lắm là Ngọc Nga đã có ngay một tiệm hớt tóc dã chiến bên hông nhà để hành nghề ngay lập tức. Trước khi cắt, như sợ Sơn chưa tin tài mình lắm Ngọc Nga còn quảng cáo là đã có bao nhiêu năm kinh nghiệm nắm đầu người ta rồi. Tôi chọc "Đừng lo Sơn, nếu rủi ro mà tài của Ngọc Nga chưa tới thì cùng lắm mình cạo trọc cũng không sao, nhiều khi trở lại với biệt danh mà Sơn có hồi còn đi học cũng tốt".

Thực sự Ngọc Nga cắt tóc rất nghề, mái tóc bềnh bồng nghệ sĩ nhưng hơi vô trật tự của Sơn chỉ trong chốc lát đã được bàn tay thiện nghệ của Ngọc Nga làm cho trở nên gọn gàng. Chưa xong hẳn nhưng nhìn Sơn đã ra dáng ông chủ lớn, lịch sự ra phết. Chỉ tội một cái là cái kéo của nhà Tiết lụt quá, nên khó cắt. Anh Minh nghe Ngọc Nga than quá, lật đật chạy vào bếp xách ra một cái kéo thiệt bự cho Ngọc Nga mượn xài đở. Thấy cái kéo thật quá khổ, tôi hỏi "Kéo dùng để làm gì mà bự quá vậy anh Minh?", anh Minh tỉnh bơ "Bén lắm, cắt tóc được mà. Kéo nầy dùng để...cắt cá". Thiệt là hết biết, cả bọn tụi tôi ôm bụng cười ngặt nghẽo. May phước cho Sơn, nếu Ngọc Nga mà dùng cái kéo làm cá nầy để cắt tóc thì còn gì đầu Sơn nữa.



Từ trái qua: người ngồi quay lưng lại là tôi, Tiết, Ngọc Nga, Sơn, anh Minh ông xã của Tiết (đang cầm kéo)


Thứ bảy, ngày 8 tháng sáu.

Như đã bàn tính tối qua, theo lời yêu cầu của tôi, sáng nay cả bọn cùng đi uống cá phê. Tôi không phải dân ghiền cà phê mỗi ngày không uống không được, nhưng lại ghiền cái không khí ấm cúng của nó. Đến một thành phố lạ, nếu thời giờ cho phép, tôi thường vào một quán cà phê nào đó ở góc phố, kêu một ly cà phê nhỏ hoặc ly trà nóng, thường là trà, rồi tìm một bàn trống gần bên cửa sổ, ngồi xuống vừa chậm rãi uống từng ngụm nhỏ vừa nhìn khung cảnh xao động chung quanh. Tôi thích cái hình ảnh thật tương phản giữa bên trong và bên ngoài quán. Bên trong, nhìn mọi người thoải mái gần như lười biếng bên ly cà phê của mình, thời gian như ngưng lại; trong khi ngoài kia, chỉ sau lớp kính, thường là cả một khung trời khác biệt, ồn ào náo nhiệt, xe cộ dập dìu, người tất tả ngược xuôi.

My Coffee là một trong những quán cà phê nổi tiếng ở thành phố nầy. Quán nhỏ thôi nhưng thật trang nhã và sạch sẽ. Khung cảnh thật ấm cúng. Quán nằm ở một vị trí thật lý tưởng, trên một vùng đất cao, bên ngả tư đường. Ngồi từ bên trong, qua các khung cửa, có thể nhìn toàn cảnh bên dưới. Mọi người vào trước, tôi nhờ Hiệp kêu dùm một ly cà phê nhỏ, tôi bận chút việc nên vào sau. Lúc đi ngang qua quày tính tiền tôi nghe một người khách hỏi thăm cô nhân viên phục vụ thì mới biết đây không phải chỉ là một quán cà phê thuần túy bình thường, mà ở đây mỗi thứ năm hàng tuần còn có rượu vang cho khách thử, thứ sáu thì có văn nghệ bỏ túi do các nghệ sĩ và ca sĩ địa phương trình diễn. Thật khó tưởng tượng được ở một thành phố nhỏ như ở đây mà lại có được một quán cà phê phong phú và đa dạng như vậy.

Sau màn cà phê, quyết định hôm nay không phải đi chơi xa, chỉ lòng vòng trong thành phố nên tụi tôi ghé công viên chơi và chụp hình. Công viên nằm bên bờ suối. Khung cảnh thật đẹp, thật hữu tình nên tha hồ cho các cô chụp hình, tha hồ cho các cô làm người mẫu. Tôi nghĩ đây là phần mà các cô thích nhất. Nguyễn Thành Sơn trông như một phó nhòm chuyên nghiệp, bấm máy mệt nghỉ. Giữa cảnh trời nước bao la, có một lúc nào đó, như quên đi hiện tại, tụi tôi đã đùa giỡn với nhau thật vô tư như những ngày còn nhỏ dại.                                                                                                                                                                                      
Một đám con nít sáu mươi
Gặp nhau bỗng thấy nhớ trời đất xưa
Nhớ ngôi trường cũ dưới mưa 
Nhớ thầy nhớ bạn nhớ giờ ra chơi.
                                  (khuyết danh)

 
Trên đường về, tụi tôi ghé lại một vườn trồng nho có làm và bán rượu vang tại chổ. Sau khi nếm thử, không biết có ngon như ông chủ vườn quảng cáo hay không, Nga Cali và Nga Vegas cũng mua mấy chai mang về làm quà. Sơn có một chai, tôi không biết do cô nào tặng. 
 
Chủ nhật, ngày 9 tháng sáu.

Sáng nay tụi tôi sửa soạn đi Coos Bay, ghé thăm gia đình anh chị và em của Tiết. Đến Coos Bay thì đã trưa. Tụi tôi ra biển chơi, các cô lại một phen nữa được làm dáng chụp hình thỏa thích. Định 4 giờ chiều sẽ rời đây. Ngọc Nga, Hiệp, Sơn và tôi sẽ đi Porland còn vợ chồng Tiết và Nga Vegas sẽ về lại Roseburg. Nói như vậy nhưng mãi đến hơn 6 giờ, mấy cô vẫn còn bịn rịn chưa muốn rời xa, nhất là Tiết và Ngọc Nga. Cuối cùng, dù nắm níu cũng phải chia tay. Tụi tôi hẹn sang năm gặp lại.

Khi tụi tôi về đến nhà Sơn ở Portland thì trời đã rất tối. Tuy mệt nhưng Ngọc Nga thật tế nhị, vào nhà là xăn tay áo lăn vào bếp phụ chị Na ngay, ăn uống xong cô nhỏ nầy còn dành luôn phần rửa chén. Tôi đi tắm còn Hiệp thì lên mạng in vé máy bay cho Ngọc Nga.

Thứ hai, ngày 10 tháng sáu.

5 giờ sáng tụi tôi đã dậy sửa soạn để đưa Ngọc Nga và Hiệp ra phi trường cho kịp chuyến bay. Ngọc Nga thì về nhà ở Little Saigon, còn Hiệp thì bay đi San Diego. Trên đường ra phi trường tụi tôi có gọi cho Tuấn Thanh ở Việt Nam.

Tôi sẽ bay về Calgary trưa nay. Như vậy là đã xong một lần họp mặt. Tuy mệt nhưng vui. Xin được cảm ơn tất cả bạn bè đã cho tôi những ngày thật đẹp và nhiều ý nghĩa nầy.

Thức, Calgary 2013


Bạn bè... Roseburg 2013 (Phi trường Eugene đón bạn buổi trưa và chiều)









Bạn bè... Roseburg 2013 (Trong vườn cherry)






















Bạn bè... Roseburg 2013 ("Lã Vọng tân thời" đi câu)