Cuối
năm là lúc tôi hay lơ mơ nhất, Giáng Sinh qua, Tết dương lịch hết tôi đang lo dọn
dẹp nhà cửa, mua sắm cho những ngày Tết âm lịch sắp tới, tôi vừa làm việc, vừa để hồn lơ mơ vào một điều gì đó không rõ rệt,
người Mỹ gọi những người như tôi là “Day
dreamer”.
Dọn
nhà, lau bụi bàn thờ, mang ảnh cha mẹ bày ra, lo hoa, lo nến đầy đủ, bất giác
tôi nhớ đến chữ “Nhà”, tự hỏi: Không
biết một đời người, ta đi qua bao nhiêu thành phố, ta sống trong bao nhiêu ngôi
nhà nhỉ?
Người
Mỹ có hai chữ nói về “Nhà” hay lắm.
House (căn nhà) thì được xây bằng gạch, gỗ, xi măng. Home (mái ấm) thì chỉ cần
tình thương và hiện diện bên nhau.
Có
thể ta đang sống trong một căn nhà (house) to lớn sang trọng nhưng ta cô đơn và
không có tình thương yêu thì căn nhà đó chẳng bao giờ được gọi là home, là mái ấm
cả. Chữ Home đôi khi còn dùng cho quê hương, tổ quốc nữa: “Homeland” một chữ vừa
gợi hình vừa đầy tình tự dân tộc. Nhớ nhà (homesick) là nhớ cái tổ ấm có những
người thân yêu sống trong đó, chứ không nhớ cái nhà vô tri vô giác bằng gạch.
Người
Việt mình chỉ dùng một chữ “Nhà” thôi
nhưng trong câu nói thì rất rõ rệt.
Khi
nói: “Tôi đang xây nhà.” Người nghe hình dung ngay trong đầu hình ảnh một ngôi
nhà với gạch, ngói, xi măng, gỗ, sắt đang được hoàn thành.
Nhưng
khi nghe: “Cuối năm rồi, nhớ nhà quá!” Thì biết ngay là người đó đang xa gia
đình hay xa quê hương. Chữ nhà đó cho
ta hình ảnh một mái ấm, có những người thân yêu trong đó hay cho ta niềm cảm
thông ngay lập tức với một kẻ xa quê hương xứ sở.
Quê nhà xa lắc
xa lơ đó
Trông lại tha hồ
mây trắng bay
(NB)
Cuối
năm tôi đang “Homesick”. Tôi đang nhớ
nhà, nhớ nước, là nơi tôi đã xa gần bốn mươi năm. Tôi lơ mơ nhớ lại những căn
nhà tôi đã đi qua: Căn nhà đầu tiên nhỏ lắm, nhưng rất ấm áp và đầy đủ. Nơi đó
tôi không phải lo lắng ấm lạnh, đói no. Tôi chỉ ăn và ngủ. Tất cả đã có mẹ tôi
lo liệu, từ đi đứng, nằm ngồi. Mẹ ăn, tôi ăn, mẹ ngủ, tôi ngủ, mẹ đi, tôi đi, mẹ
cười, tôi vui, mẹ khóc, tôi buồn… Thật đáng tiếc, tôi không thể ở lâu được
trong ngôi nhà này, tôi chỉ cư ngụ ở đó một thời gian ngắn, chín tháng. Tôi phải
dọn ra, để còn nhường chỗ cho em tôi dọn vào sau này. Căn nhà đó chính là cái dạ
con của mẹ tôi, nơi trú ngụ an toàn nhất của đời mình.
Sau
này khi tôi di tản từ Việt Nam sang Mỹ, tôi liên tưởng cái dạ con của mẹ cưu
mang tôi có một phần nào giống như trại tỵ nạn Camp Pendleton, tôi tới đó chờ
chuyển tiếp vào một đời sống mới ở Mỹ, một nơi chốn xa lạ. Bụng mẹ cũng là nơi
đón nhận tôi từ tinh cầu mơ hồ nào rơi xuống, lo cho tôi đầy đủ trước khi tôi
bước vào những căn nhà lạ hoắc khác nhau của đời sống con người trên mặt đất.
Khác chăng mẹ không bỏ tôi ngay sau khi tôi dọn ra, mẹ luôn đi theo bên cạnh
tôi lo lắng, thương yêu, cho đến khi mẹ bắt buộc phải dọn một mình vào căn nhà
cuối cùng của mẹ.
Khi
tôi vừa đủ trí khôn để ý thức được sự dời đổi và tôi có thể nhớ đến ngày hôm
nay, một phần qua trí nhớ mơ hồ, một phần qua lời kể của cha mẹ hay anh chị lớn
hơn, thì bắt đầu một cuộc hành trình dời đổi.
Từ
Hà Nội cha mẹ tôi mang các con chạy loạn về quê ngoại, làng Thanh Nga tỉnh Thái
Bình. Tôi nhớ được gánh trong hai cái thúng, chị tôi một đầu, tôi một đầu. Ở
Thái Bình một thời gian, chúng tôi được xem tát ao, xem bắt cá, xem giã gạo, đập
thóc, được câu cá và chơi với trẻ em nhà quê thò lò mũi xanh. Cha tôi hay ra
đình dạy học và dạy võ cho người làng.
Rồi
từ Thái Bình, lại chạy sang quê nội ở Nam Định, chúng tôi cũng qua hai ngôi nhà
của họ hàng ở đây. Mấy tháng sau, từ Nam Định hồi cư về Hà Nội, ở Hà Nội được
hai năm qua ba căn nhà, cha tôi là công chức bị thuyên chuyển xuống Hải Phòng, ở
Hải Phòng bốn năm tiếp theo là cuộc di cư từ Bắc vào Nam.
Tôi
ngồi lơ mơ nhớ lại, đếm trong đầu: từ lúc tôi ở trong ngôi nhà đầu tiên là bụng
mẹ, cho đến lúc di cư vào Nam 1954, chưa được 9 tuổi, tôi đã ở qua chín ngôi
nhà.
Năm
1954 tôi đã khá lớn, có thể tự nhớ những căn nhà mình đã dọn vào, dọn ra không
cần nghe ai kể lại. Vào Sài Gòn bắt đầu tạm trú ngay trong sở Địa Chánh, nơi
cha tôi làm việc ở đường Hai Bà Trưng, con đường ngay sau Bưu Điện Sài Gòn. Tôi
đi học ở trường Hòa Bình thuộc nhà thờ Đức Bà. Được ít tháng, mẹ tôi thuê được
nhà ở bên Thị Nghè. Gia đình tạm coi như yên ổn được vài năm. Chúng tôi ở Thị
Nghè từ đó cho đến năm 1975. Nhưng trong thời gian dài đó gia đình tôi cũng mua,
bán, thay đổi nhà thêm ba lần nữa, dù vẫn chỉ loanh quanh ở gần nhà thờ Thị
Nghè.
Tôi
sang Mỹ với cha mẹ già, từ Camp Pendleton, California, chúng tôi đi qua nhà người
bảo trợ ở thành phố Encino; một tháng sau, tôi có việc làm dọn ra căn chung cư ở
Los Angeles; lập gia đình, dọn nhà hai lần nữa; sanh đứa con đầu lòng, dọn sang
nhà mới, mua ở Rosemead; rồi đổi nhà khác về Westcovina. Ở California được 13
năm, qua 7 căn nhà khác nhau. Chúng tôi lại dọn lên vùng tây bắc nước Mỹ, bang
Washington cho gần quê nội bên chồng ở Montana, để mỗi mùa hè có thể lái xe mười
tiếng mang các con về thăm nội. May quá, ở Seattle từ mùa hè 1988 đến hôm nay, chúng
tôi chỉ đổi nhà một lần. Từ thành phố Issaquah sang Bellevue cách nhau có hai exit ở xa lộ.
Từ
lúc rời căn nhà đầu tiên là bụng mẹ đi ra, ngẫm lại thì tôi đã ở không biết bao
nhiêu ngôi nhà, tôi không muốn đếm nữa.Tôi đi suốt từ miền Bắc đến miền Nam nước
Việt, từ quê hương Việt Nam tới nước Hoa Kỳ. Nghĩ lại mà bàng hoàng. Sao mà dời
đổi nhiều thế, sao đi xa thế nhỉ?
Những
ngôi nhà tôi ở dài thời gian hay ngắn cũng đã cho tôi bao nhiêu là kỷ niệm. Ký ức
đôi khi lấp lánh như được rắc bằng kim nhũ, đôi khi long lanh như nước mắt. Những
mái nhà từ quê đến tỉnh, từ nước Việt sang nước Mỹ. Khi thì mái lá, khi mái lợp
tôn, khi mái lợp ngói, khi mái gỗ, đã cho tôi nghe bao tiếng mưa rơi mang âm điệu
khác nhau và sự ấm lạnh khác nhau của cả bốn mùa.
Dưới
những mái nhà đó, bao nhiêu kỷ niệm từ thời thơ dại, thuở bắt bướm, hái hoa. Có
gặp gỡ, có hẹn hò. Có đêm nhìn hỏa châu, có ngày nghe pháo kích. Khi trưởng
thành biết yêu, biết nhớ, biết đau khổ và biết hạnh phúc phải trả bằng giá nào
mới có. Mỗi lần dọn nhà, trước khi giao nhà cho người khác, quay lại nhìn căn
nhà trống, nghĩ mình đã một thời sống dưới mái nhà này, cười, khóc trong những
bức tường này. Gian bếp, buồng ngủ, mảnh vườn, mỗi nơi mang theo biết bao là dấu
vết của đời sống gia đình. Có căn nhà mình sống với cha mẹ ở đó, có căn là nơi
mình đón những đứa con ra đời, có căn là nơi mình khóc tiễn đưa mẹ cha lần cuối.
Khi dọn đi làm sao xóa được dấu tích thân yêu, tránh khỏi một chút ngậm ngùi.
Cứ
mỗi lần dọn vào một nơi ở mới, dù là nhà thuê hay nhà mua, tôi thường mời linh
mục đến làm phép nhà. Cầu xin cho gia đình mình bình an, cầu xin cho những người
đã ở trong nhà đó trước khi chúng tôi dọn tới và cầu xin cả cho những người sẽ
dọn vào sau chúng tôi:“Nhất điền thiên vạn
chủ.” Làm sao tôi biết được đời sống nào, những con người sống trong căn
nhà này trước tôi đã kinh qua và người đến ở đây, sau chúng tôi sẽ phải đối diện
những gì.
Những
căn nhà khác chi những toa tàu trong đời sống, mỗi sân ga ta xuống, mỗi toa tầu
ta vịn leo lên, ta mang theo những gì, bỏ lại những gì? Hạnh phúc, đau khổ, tiếng
cười, giọt lệ? Lên một toa tàu để xuống ở sân ga khác, nào ai biết được điều gì
xảy ra trong chọn lựa ấy? Ta đã gặp và đã chia tay biết bao nhiêu người ở những
trạm lên, xuống đó. Và người đồng hành với ta nữa. Có người gắn bó theo ta suốt
cả một đời, cùng dọn ra, dọn vào trong những ngôi nhà ấm, lạnh đó. Có người ngó
trước, trông sau, bỗng bâng khuâng thốt lên: “Lần này ta dọn vào đây chỉ có một
mình à?”
Ôi!
Những kẻ tôi chỉ chào một bận,
Chân xa mau, lòng chưa kịp giao thân,
Trên đường tôi nếu trở lại vài lần,
Chắc ta đã yêu nhau rồi, - hẳn chứ...(Tình Nhớ-Huy Cận)
Rồi
còn những người được coi là vô gia cư (homeless). Có bao giờ họ mơ ước có một
mái ấm đủ vợ chồng con cái quây quần bên lò sưởi trong một tối mùa đông. Một thời
nào đó, những người homeless này chắc
cũng đã từng được hưởng hạnh phúc mái ấm gia đình.
Căn
nhà cuối cùng của mỗi người nữa. Hình như ai đó đang xây những lăng tẩm không
kém gì vua chúa thời xa xưa, để dọn bộ xương của mình vào. Nhưng lại có những
người từ chối cả một nấm mồ. Họ muốn rắc tro than mình lên núi hay thả vào lòng
biển. Họ chọn ngôi nhà cuối cùng không có mái, không có bốn vách tường, để linh
hồn được tự do tan biến vào thiên nhiên.
Nhưng
ai biết được ngôi nhà cuối cùng của mình đã sở hữu trước có bảo đảm là mình được
dọn vào hay không? Thiên tai có thể quét sạch, san bằng lăng tẩm đã xây. Chiến
tranh có thể đẩy ta sang sinh sống ở một phần đất của quốc gia khác.
Thôi
thì hãy đặt đời ta sống, chết, trong võng gió của Thượng Đế.
Một
người lính thi sĩ đã viết xuống một bài thơ về những ngôi nhà và chiến tranh
như sau.
Ở những ngôi nhà
này
không còn gì cả
ngoài những mảnh
vụn ký ức
Những người đã từng
trò chuyện với tôi
không một ai sót
lại
Nhưng trong trái
tim tôi
Không một thánh
giá của ai rơi mất
Trái tim tôi
một trú xứ thống
khổ tràn đầy. (*)
Trần
Mộng Tú
Tháng
12/2013
(*)
Thơ-Giuseppe Ungaretti (1888-1970)